BUỔI SINH HOẠT NGOẠI KHÓA THIẾT THỰC

Sinh viên CNTT các trường đại học khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong buổi giao lưu với doanh nghiệp ngày 14-10 tại trường Đại học Cần Thơ.

Quả thật chẳng dễ chút nào khi bạn được yêu cầu tự đánh giá ưu điểm và hạn chế của bản thân. Sinh viên công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) cũng không phải là ngoại lệ. Thế nhưng, vấn đề đáng nói ở đây chính là việc sinh viên chưa được tư vấn và cũng chưa thật sự dành nhiều thời gian để hiểu… chính mình. Các nhà doanh nghiệp than phiền rằng họ đã mất rất nhiều thời gian để tái đào tạo nhân viên và chất lượng của các ứng viên trúng tuyển chỉ ở mức trung bình, ít người tỏ ra có khả năng vượt trội.

Ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh phía Nam của Công ty CMC, phác họa chân dung hiện nay của nguồn nhân lực trẻ CNTT Việt Nam : “Công tâm mà nói, sinh viên có khá nhiều điểm mạnh. Chẳng hạn như về mức độ năng động, khả năng tiếp cận với mặt bằng chung về công nghệ trên thế giới, nền tảng kiến thức chuyên môn, tư duy sáng tạo và tính sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi. Tuy nhiên, phần lớn sinh viên tốt nghiệp đều chưa thể bắt tay ngay vào công việc của doanh nghiệp, không biết cách tự học, thiếu kỹ năng “mềm”, dễ nản lòng khi gặp khó khăn và thường hay có tâm lý khu trú cho riêng công việc của mình. Trái lại, mẫu nhân viên mà chúng tôi mong muốn phải là những người am hiểu thực tế, biết áp dụng ngay kiến thức đã học vào công việc, có tinh thần cầu tiến và ham học hỏi, tôn trọng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và biết kết hợp kỹ năng mềm để giải quyết sự vụ.”

Ba câu hỏi nhỏ – Ba bài học lớn

Trong những năm gần đây, chức danh Giám đốc CNTT (CIO) tại Việt Nam đã được trao trả đúng nghĩa. Bản thân sinh viên cũng nhận ra điều này. Liệu rằng, các bạn trẻ có thể “đi tắt đón đầu” khi cố bỏ qua những công việc mang tính chuyển tiếp để ngồi ngay vào chiếc ghế “nóng” này hay không ?

Chỉ bằng ba câu hỏi đơn giản bằng tiếng Anh, ông Nguyễn Cao Tùng, Giám đốc Công ty NDEX Technologies (tiền thân là Công ty Tân Thiên Niên Kỷ), đã mang đến cho sinh viên khoa CNTT-TT của ĐBSCL những bài học thú vị. Ở câu hỏi đầu tiên – Phiên bản mới nhất của trình duyệt web mã nguồn mở Mozilla Firefox trong năm 2007 là gì ? – gần như tất cả sinh viên đều cho rằng đó là 2.0.0.7. Tuy nhiên, câu trả lời chính xác phải là 3.0 Alpha 8 (Gran Paradiso). Ông Tùng phân tích : “2.0 là phiên bản hiện được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Còn 3.0 là phiên bản đang trong giai đoạn thử nghiệm. Thế nhưng, trong vai trò thủ lĩnh doanh nghiệp, bạn cần phải nắm bắt mọi thông tin có liên quan đến những sản phẩm mang tính chất nền tảng và trọng yếu như Firefox nhằm kịp thời điều chỉnh kế hoạch phát triển cho các sản phẩm của công ty – những phần mềm phụ thuộc rất nhiều vào Firefox. Nếu chỉ biết duy nhất phiên bản 2.0 và cứ dốc hết công sức viết phần mềm của mình trên nền tảng đó, thì khi phiên bản 3.0 chính thức ra mắt người dùng, liệu bạn có kịp xoay chuyển tình thế hay không ?” Trong lĩnh vực CNTT-TT, nữ giới hoàn toàn có thể trở thành CIO. Một vấn đề không mới nhưng trên thực tế có bao nhiêu doanh nghiệp biết đánh giá đúng, tin dùng và cất nhắc những nữ kỹ sư tài năng lên làm lãnh đạo ? Vì vậy, sẽ là không thừa khi ông Tùng nhắc nhở vấn đề này với sinh viên. Còn với câu hỏi cuối cùng – CIO được viết tắt từ cụm từ nào ? – đã không có một câu trả lời nào khác ngoài chữ Chief Information Officer. Thật ra, CIO còn là từ viết tắt của Chief Intelligence Officer nhằm nhấn mạnh đến năng lực tích hợp tri thức để giải quyết công việc.

Trước khi đưa ra những lời khuyên cụ thể cho nghề CIO, ông Tùng đã hỏi các bạn trẻ rằng, đứng ở góc độ của người làm CNTT, bạn sẽ làm gì để có thể phát hiện được những sự cố nghiêm trọng của một cây cầu trước khi nó bị sập. Chỉ có duy nhất một giải pháp chấp nhận được, đó là gắn những thiết bị cảm biến thu nhận tín hiệu âm thanh dưới gầm cầu rồi kết hợp với phần mềm đặc chủng để xác định kịp thời những vết nứt. Ví dụ này đã giúp sinh viên nhận ra được tầm quan trọng của việc tích hợp tri thức theo hướng đa cấp, đa ngành. Ông Nguyễn Cao Tùng đã chia sẻ những bí quyết để trở thành một CIO giỏi : “Hãy tập thói quen tái phân tích những việc đã gặp, sau đó kết hợp với công việc của mình. Thường xuyên đọc sách báo cũng là một yêu cầu. Luôn hỏi ‘tại sao ?’, như cách mà bạn đã từng làm khi còn bé.”

Ông Phí Anh Tuấn cũng góp thêm kinh nghiệm của mình : “Các bạn đang đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường lao động công nghệ cao. Để thành công, cần thật sự yêu nghề, chuyên cần học tập, tránh nhìn ngang nhìn dọc, chú trọng tích lũy kỹ năng ‘mềm’, rèn luyện ý thức kỷ luật, sức khỏe, đạo đức, phải tập thói quen làm việc theo nhóm và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ngoại khóa. Bạn sẽ chỉ nhớ được 10% những gì bạn học nhưng lại nhớ đến 80% những gì bạn làm.”

Đừng đổ hết “dâu” lên “đầu nhà trường”

Có không ít sinh viên CNTT-TT còn mắc chứng “bệnh”… đổ thừa mỗi khi “đụng chuyện” trong các chuyến đi thực tập hoặc khi đã chính thức vào làm cho các doanh nghiệp với những câu : “Môn này trường em không có dạy”, “Cái đó thầy em chưa chỉ”… Suy cho cùng, sinh viên cũng nên soi lại mình trước khi trách thầy cô.

Tiến sĩ Đồng Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Tin học – Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, phân tích : “Sinh viên thường chỉ biết trau chuốt cho bảng điểm hơn là trang bị kiến thức. Kết quả là các em mất rất nhiều thời gian vì phải nghe giảng cùng một môn học tại nhiều lớp học, dẫn đến việc không thể hoàn tất nội dung thực hành. Nhiều người cũng không biết cách liên kết kiến thức của nhiều môn học trong cùng một đồ án. Các em đã hiểu sai về kỹ năng làm việc theo nhóm (thường thì cố gắng chia năm xẻ bảy công việc, giao cho từng thành viên thực hiện rồi ghép lại với nhau, thay vì tất cả phải cùng thảo luận và giải quyết vấn đề dựa trên trí tuệ tập thể).”

Ông Ngô Văn Toàn, quyền Phó tổng giám đốc Công ty Global CyberSoft, cũng chia sẻ quan điểm với bà Thủy. Thay vì trình bày một tham luận chuyên sâu, ông mượn những câu chuyện về các nhân vật trong các tác phẩm của Kim Dung để giúp sinh viên nắm được những vấn đề cần thiết. Tựu trung lại có thể đúc kết thành ba triết lý sống rất bổ ích cho sinh viên. “Thứ nhất, điểm số trong học tập là cần thiết để tạo hình ảnh tốt đẹp trong mắt nhà tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, chúng phải phản ánh đúng thực chất của năng lực. Thứ hai, đừng quan trọng hóa là bạn ra từ “lò” nào. Vấn đề là ở chỗ bạn đã bước ra khỏi nơi ấy như thế nào và đã có được những kiến thức gì. Cuối cùng, ghi nhớ chỉ là chuyện nhỏ. Hiểu và vận dụng thành công những kiến thức đã được tích lũy vào thực tế công việc mới là chuyện lớn.”

Doanh nghiệp nhập cuộc

Các nhà phân tích đã dự báo, đến năm 2010, sẽ có một làn sóng đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam trong khi thị trường nhân lực CNTT-TT sẽ không đáp ứng kịp thời. Với sức mạnh tài chính và chiến thuật “săn đầu người”, các nhà doanh nghiệp nước ngoài có thể sẽ thu hút những “trụ cột” của các công ty phần mềm trong nước. Quan ngại trước nguy cơ bị chảy máu chất xám, nhiều doanh nghiệp hiện đang tranh thủ “chiêu binh” từ khắp mọi nơi, nhưng xem ra vẫn còn chưa đủ. Vì quá sốt ruột cũng như không thể cứ ngồi than phiền về chất lượng đào tạo của các trường, một số công ty phần mềm trong nước đã quyết định bắt tay và sát cánh cùng với nhà trường và sinh viên.

Nhân buổi giao lưu với sinh viên khoa CNTT-TT của ĐBSCL, ông Thẩm Văn Hương, Phó giám đốc điều hành Công ty cổ phần Giải pháp phần mềm Phúc Hưng Thịnh, đã có nhã ý trao tặng phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) B4U trị giá 50.000 đô-la Mỹ để Đại học Cần Thơ có thể sớm chuyển hóa thành các môn học cụ thể và đưa vào giảng dạy cho sinh viên các khoa CNTT-TT và quản trị kinh doanh. Tất cả những việc làm nói trên của các nhà doanh nghiệp phần mềm Việt Nam sẽ góp phần giải tỏa nỗi lo “không có kinh nghiệm thực tế” mà sinh viên tốt nghiệp vẫn thấp thỏm trong lòng mỗi khi tham gia phỏng vấn tìm việc.

*
* *

Nói về ĐBSCL, đã không ít người cho rằng vẫn còn chậm phát triển lắm, đặc biệt là lĩnh vực CNTT-TT. Nhưng phải làm gì để giúp cho mảnh đất này hết “trũng” ? Câu trả lời chỉ có khi tất cả đều cùng nhìn về một hướng. 

Bảo Nguyên (Thoi bao VTSG)

Leave a comment