LÀM SAO NGHE ĐƯỢC TIẾNG ANH

Một trong những trở ngại lớn nhất của chúng ta khi học một ngoại ngữ ấy là chúng ta quá… thông minh và có quá nhiều kinh nghiệm.

Quá thông minh: vì mình không thể nào chấp nhận nghe một câu mà mình không hiểu: cần phải hiểu một câu nói gì trước khi nghe tiếp câu thứ hai, nếu không thì mình không buồn nghe tiếp.

Quá kinh nghiệm: Cuộc đời đã dạy ta không nghe những gì người khác nói mà chỉ hiểu những gì mà nội dung chuyển tải. Nếu không hiểu nội dung, chúng ta không thể lặp lại lời người kia. Cũng vì thế mà – trong giai đoạn đầu học ngoại ngữ – mỗi lần nghe một câu tiếng Anh thì trong đầu phải dịch ra được tiếng Việt thì mới yên tâm, bằng không thì … câu ấy không có nghĩa.

Thế nhưng, đấy là lối học sinh ngữ ngược chiều. Tôi biết được 6 ngôn ngữ, trong đó có ba ngôn ngữ thành thạo nghe nói đọc viết: Việt – Anh – Pháp, và tôi thấy rằng trong các ngôn ngữ tôi biết thì, một cách khách quan, nghe và nói tiếng Việt là khó nhất (vì ở phương tây, không có ngôn ngữ nào mà mình đổi cao độ của một từ thì ý nghĩa từ ấy lại thay đổi: ma – má – mà – mạ – mã – mả). Nhưng các bạn ở forum này, cũng như tôi, đều không có vấn đề gì cả với cái sinh ngữ khó vào bậc nhất ấy!

Thế nhưng những thầy cô dạy chúng ta nghe nói tiếng Việt chẳng phải là những vị chuyên viên ngôn ngữ như các thầy ngoại ngữ mà ta học tại các trường. Thầy dạy tiếng Việt chúng ta là tất cả những người quanh ta từ ngày ta ra đời: cha mẹ, anh chị, hàng xóm, bạn bè… nghĩa là đại đa số những người chưa có một giờ sư phạm nào cả, thậm chỉ không có một khái niệm nào về văn phạm tiếng Việt. Thế mà ta nghe tiếng Việt thoải mái và nói như sáo. Còn tiếng Anh thì không thể như thế được. Ấy là vì đối với tiếng Việt, chúng ta học theo tiến trình tự nhiên, còn ngoại ngữ thì ta học theo tiến trình phản tự nhiên.

Từ lúc sinh ra chúng ta đã nghe mọi người nói tiếng Việt chung quanh (mà chẳng bao giờ ta phản đối: “tôi chẳng hiểu gì cả, đừng nói nữa”! Mới sanh thì biết gì mà hiểu và phản đối!). Sau một thời gian dài từ 9 tháng đến 1 năm, ta mới nói những tiếng nói đầu tiên (từng chữ một), mà không hiểu mình nói gì. Vài năm sau vào lớp mẫu giáo mới học đọc, rồi vào lớp 1 (sáu năm sau khi bắt đầu nghe) mới tập viết… Lúc bấy giờ, dù chưa biết viết thì mình đã nghe đưọc tất cả những gì người lớn nói rồi (kể cả điều mình chưa hiểu). Như vậy, tiến trình học tiếng Việt của chúng ta là Nghe – Nói – Đọc – Viết. Giai đoạn dài nhất là nghe và nói, rồi sau đó từ vựng tự thêm vào mà ta không bao giờ bỏ thời gian học từ ngữ. Và ngữ pháp (hay văn phạm) thì đến cấp 2 mới học qua loa, mà khi qua hết trung học thì ta đã quên hết 90% rồi.

Nhưng tiến trình ta học tiếng Anh (hay bất cứ ngoại ngữ nào) thì hoàn toàn ngược lại.

Thử nhìn lại xem: Trước tiên là viết một số chữ và chua thêm nghĩa tiếng Việt nếu cần. Và kể từ đó, học càng nhiều từ vựng càng tốt, kế đến là học văn phạm, rồi lấy từ vựng ráp vào cho đúng với văn phạm mà VIẾT thành câu! Rồi loay hoay sửa cho đúng luật! Sau đó thì tập đọc các chữ ấy trúng được chừng nào hay chừng ấy, và nhiều khi lại đọc một âm tiếng Anh bằng một âm tiếng Việt! (ví dụ fire, fight, five, file… đều được đọc là ‘phai’ ). Sau đó mới tới giai đoạn NÓI, mà ‘nói’ đây có nghĩa là Đọc Lớn Tiếng những câu mình viết trong đầu mình, mà không thắc mắc người đối thoại có hiểu ‘message’ của mình hay không vì mình chỉ lo là nói có sai văn phạm hay không. Lúc bấy giờ mới khám phá rằng những câu mình viết thì ai cũng hiểu, như khi mình nói thì chỉ có mình và … Thượng Đế hiểu thôi, còn người bản xứ (tiếng Anh) thì ‘huh – huh’ dài cổ như cổ cò!

Sau thời gian dài thật dài, mình khám phá rằng mình từng biết tiếng Anh, và nói ra thì người khác hiểu tàm tạm, nhưng khi họ nói thì mình không nghe được gì cả (nghĩa là nghe không hiểu gì cả). Lúc bấy giờ mới tập nghe, và rồi đành bỏ cuộc vì cố gắng mấy cũng không hiểu được những gì người ta nói.

Vấn đề là ở đó: chúng ta đã học tiếng Anh ngược với tiến trình tự nhiên, vì quá thông minh và có quá nhiều kinh nghiệm. Tiến trình ấy là Viết – Đọc – Nói – Nghe!

Vì thế, muốn nghe và nói tiếng Anh, chuyện đầu tiên là phải quên đi kinh nghiệm và trí thông minh, để trở lại trạng thái ‘sơ sinh và con nít’, và đừng sử dụng quá nhiều chất xám để phân tích, lý luận, dịch thuật!

Duynhien

Nguồn : http://www.tienganh.com.vn/showthread.php?t=14238

Grammar 2.7

Đã có G2.7 rồi tải tại đây nè : http://vngrammar.wordpress.com/

Làm sao để nghe nói tiếng Anh tốt

Dạo trên mạng, thu thập thêm một ít kinh nghiệm nữa. Nói chung muốn học tốt tiếng Anh cái cần nhất là ngữ âm, tức là ngữ điệu đó mà, sau đó phải có vốn từ vựng kha khá, ngữ pháp tốt một chút. Công chăm chỉ luyện tập nghe băng đài, xem phim bằng tiếng anh hoặc nếu có cơ hội thì tiếp xúc với người bản ngữ càng tốt. Còn đây là kinh nghiệm mình sưu tập được :

“Nghe” là một kỹ năng “dễ luyện” nhưng đòi hỏi phải tương đối quyết tâm và kiên trì. Tuy nhiên nếu luyện có phương pháp tốt thì sẽ mau chóng nâng cao khả năng nghe và bắt keywords, dần có phản xạ hearing.

Mình sẽ đăng một số bài viết chia sẻ kinh nghiệm về luyện kỹ năng Nghe cũng như các kỹ năng khác trong quá trình học ngoại ngữ.

Về phần kinh nghiệm cá nhân, sau khi tham gia rất rất nhiều lớp học tiếng Anh, các trung tâm cho tới các thầy cô giáo thì mình cảm thấy ban đầu để nghe tốt thì các bạn nên luyện Ngữ âm – Pronunciation. Luyện ngữ âm cũng là một quá trình vì để Pronunciation trở thành phản xạ nói của mình thì rất lâu, tuy nhiên để biết được rằng mình nói đúng hay nói sai thì chỉ cần học qua vài buổi và rất rất hữu ích. Khi mình biết phát âm đúng và dần quen với các âm tiết khó thì cảm giác nghe sẽ khác hẳn. Ngoài Pronunciation ra, stress và accent cũng rất quan trọng, nhiều khi để đoán nội dung chỉ bằng keywords.

Phần trên là mình nói luyện để nghe được những thứ đơn giản (Tức là từ và cấu trúc mình nắm được rồi nhưng nghe không ra từ). Còn để nghe tốt hoàn toàn thì phải hoàn thiện cả Vocabulary và tất nhiên là Grammar nữa.

Về phần thực hành nghe, các thầy thường dậy theo lộ trình là: VOA Special English –> Short Conversasions –> Long Conversations –> Leactures,…

VOA Special English là một bài thuộc “siêu bổ dưỡng” cho các bạn mới học tiếng anh và muốn hoàn thiện khả năng nghe. Nó là một chương trình đặc biệt của Đài tiếng nói Hoa kỳ (Voice of America), những tin tức được đọc một cách rất chậm dãi nhưng rất chính xác, giúp chúng ta dễ nghe và luyện pronunciation rất tốt. Ngoài ra, các tin VOA special English luôn được đăng kèm với bản Text rất thuận tiện để kiểm tra lại độ chính xác của đôi tai bạn. ^^

Để nghe trực tuyến hoặc Download về, các bạn có thể vào đây: www.voanews.com/specialenglish/index.cfm

Các tài liệu luyện các kỹ năng Tiếng Anh và các bài chia sẻ kinh nghiệm học tập khác mình sẽ cùng Ban quản trị Diễn đàn TMĐT VN đăng tải ở Box Tiếng Anh – Du học cho mọi người cùng sử dụng và trao đổi.

*** Àh quên, tài liệu về Pronunciation có 2 cuốn hay là Tree or Three? và Ship or Sheep? Về Accent có nhiều (Ex: American Accent Training,…). Các bạn có thể mua ở hiệu sách hoặc chờ mình đăng lên Forum trong thời gian sớm nhất.

Chúc mọi người mau nghe VOA, CNN, BBC, … như nghe Đài tiếng nói Việt Nam VOV123. Nghe VOV5 tiếng Anh của mình cũng hay phết, thử xem. ^^

Nguồn : HoAnGvIeTpHu11(http://www.evision.vn/forum/showthread.php?t=1537)

Mẹo học nói tiếng Anh tốt

Học tiếng Anh đã lâu, vốn từ vựng cũng đã nhiều, nhưng tớ lại không thể nói lưu lóat những điều mình đã biết.

Cho đến khi, tớ học thầy. Một thầy giáo bình thường tại một trung tâm bình thường. Chỉ có điều làm cho thầy khác tất cả những giáo viên Anh văn khác mà tớ đã học: Thầy thực sự hết mình vì học trò.

Tớ không phải là một người học tiếng Anh giỏi. Nhưng nhờ những gì thầy chỉ, tớ đã có thể nói lưu lóat hơn rất nhiều khi giao tiếp. Không còn những cụm từ “ờ, à…” khi nói nữa. Thay vào đó là những câu nói trôi chảy đến không ngờ.

Hẳn bạn sẽ nghĩ tớ nói xạo, hoặc, tớ đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian cho việc luyện nói? Không đâu, thời gian nhiều nhất mà tớ dành cho chính mình chỉ là 20 phút mà thôi. Bạn không tin, hãy thử những quy tắc sau đây mà thầy đã chỉ tớ áp dụng nhé.

1/ Bạn cần 1 tờ giấy và 1 cây viết.

2/ Viết tất cả những gì bạn nghĩ, dĩ nhiên là bằng tiếng Anh. Nên viết đầy trang giấy mà bạn có.

3/ Xé chúng đi.

Hẳn bạn đang rất thắc mắc vì sao ta lại làm những điều kì cục như thế này phải không? Tớ sẽ giải thích cho bạn nhé:

1/ Vì sao học nói mà lại viết?

Thầy tớ đã bảo rằng bọn tớ có nhiều vốn từ nhưng không tìm từ thích hợp khi nói được, ấy là vì chúng tớ không thực sự nhớ đến những từ vựng ấy. Thế nên, để khắc phục, thầy bảo chúng tớ… viết. Viết, để ghi vào những từ ấy một cách vô thức. Giống như bạn nói nhiều thì bạn sẽ nhớ vậy.

Điều quan trọng khi viết là bạn không nên dừng lại để chỉnh câu, nhớ từ vựng hay ngữ pháp. Bạn cứ viết tất cả những gì mình nghĩ. Giống như khi nói, bạn đâu có thời gian để kiểm tra xi mình nói đúng chính tả hay không. Và tốt hơn, bạn nên vừa nói vừa viết, điều này sẽ giúp bạn quen cả với cách phát âm.

2/ Viết gì?

Tất tần tật những gì bạn thích. Giống như khi bạn nói chuyện với bạn bè hay viết blog mà thôi. Nghĩ đến cái gì, bạn viết ra cái ấy. Đừng lo về nội dung. Thậm chí bạn có viết rằng bạn sẽ kết hôn với… David Beckham thì cũng đừng ngại ngùng. Tớ sẽ bật mí với bạn sau vì sao bạn chẳng cần phải e dè. Tốt nhất bạn nên sử dụng những từ mới học, hoặc mới biết trong ngày. Nhớ là viết xong rồi mới kiểm tra lại nhé.

3/ Tại sao viết xong lại xé đi?

Khi bạn nói, trở ngại lớn nhất là bạn… mắc cỡ. Bạn sợ mình nói sai, hoặc những gì bạn nói ra thật buồn cười. Khi bạn viết trong tờ giấy, bạn biết rằng sau khi xé chúng đi, sẽ chẳng ai biết bạn viết điều gì trong ấy cả. Thật thỏai mái phải không.

Nếu bạn đang cảm thấy điều này thật mới mẻ và có vẻ hợp lí, thì tại sao, không lấy ra một tờ giấy và cây viết ngay nhỉ?

Kem

Sao lại phải học ngoại ngữ nhỉ ?

1./ Yêu cầu công việc

Đây có lẽ là lý do chính khiến người ta đổ xô đến các trung tâm dạy ngoại ngữ. Nhiều nghề đòi hỏi bạn phải thành thạo ít nhất một hoặc hai ngoại ngữ.

Hầu hết các công việc đòi hỏi bạn biết tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha hoặc Đức, cũng có doanh nghiệp lại yêu cầu bạn thành thạo tiếng Nga, Nhật… Do đó, muốn kiếm một công việc ngon lành với mức lương cao thì bạn không chỉ có tấm bằng đại học.

Tiếng Anh được coi là ngôn ngữ quốc tế, đây sẽ là phương tiện giúp bạn nâng cao tri thức và vươn tới thành công.

2./ Phần thưởng xã hội

Có ai đó đã nói: Biết thêm một ngôn ngữ là bạn đã được sống thêm một cuộc đời khác, biết càng nhiều ngôn ngữ ngữ khác nhau có nghĩa là bạn càng làm giàu thêm cuộc sống tinh thần và hành trang văn hoá của bạn. Đừng biến mình thành kẻ ngoài cuộc khi bạn bè mình, những người xung quanh nói như gió với những người ngoại quốc còn bạn thứ cứ câm như hến hoặc bập bẹ mãi mới được vài câu chào hỏi.

Người ngoại quốc cực kỳ ấn tượng bởi khả năng nói đúng giọng mẹ đẻ của họ và sẽ còn phục sát đất nếu bạn còn biết sử dụng thành ngữ và tiếng lóng dù bạn chưa từng đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trong đàm phán, họp hành hoặc giao dịch với đối tác, những ấn tượng tốt đó có thể giúp bạn thiết lập quan hệ làm ăn lâu dài sẽ đem lại thoả mãn cho bạn trong công việc và ngoài xã hội.

3./ Thoả mãn cá nhân

Học một ngoại ngữ là một trong những mục tiêu trí tuệ cao nhất mà ai cũng có thể tự học được. Thử tưởng tượng bạn gặp một bài toán khó, bạn phải mất đến cả ngày, thậm chí cả tháng mới giải xong; một vấn đề nghiên cứu bạn phải mất đến hàng năm mới hoàn thành. Quá trình giải quyết vấn đề thực sự khó khăn gian khổ, nhưng cuối cùng khi bạn đã thành công thì sẽ vui sướng tột cùng. Quá trình học ngoại ngữ cũng vậy. Bạn phải trải qua những quá trình từ cơ bản rồi dần dần tiến từng bước một.

Học ngoại ngữ không chỉ một sớm một chiều, ban đầu bạn rối tung lên và không nhớ ngay được nào là ngữ nghĩa, quy tắc, ngữ pháp rồi phát âm. Bạn dễ chán nản vì cứ học trước quên sau, tra từ điển đến chục lần mà vẫn không nhớ nổi nghĩa của một từ. Quan trọng nhất là kiên trì theo đuổi, thành công nào mà chẳng đổ mồ hôi. Bạn đề ra mục tiêu thật rõ cho từng ngày, từng tuần phải ghi nhớ được số lượng từ vựng và các chủ điểm ngữ pháp là bao nhiêu, sau đó quyết tâm hoàn thành mục tiêu đó.

4./ Giúp tăng cường trí óc

Khoa học chứng minh: Quá trình học ngoại ngữ mới kích thích trí não, giúp bạn lĩnh hội những môn học khác dễ dàng hơn kể cả các môn khoa học tự nhiên khó nhằn như Toán, Lý, Hoá… Vì học ngoại ngữ đòi hỏi bạn phải luôn ghi nhớ và hiểu nghĩa của hàng ngàn từ mới. Bộ não của bạn được tập luyện và hoạt động tốt hơn nhờ quá trình lâu dài học cách ghi nhớ. Ngay cả với những người lớn tuổi, học ngoại ngữ cũng giúp trí óc minh mẫn và linh hoạt hơn, chống lão hoá và mất trí nhớ.

Việc học không bao giờ là quá muộn cả, nhất là khi tiếp cận một ngôn ngữ mới. Đừng nghĩ bạn đã qua tuổi học rồi hoặc là học không vào nữa. Bất cứ việc gì cũng đòi hỏi sự kiên trì và chăm chỉ thì mới thành công.

Theo dantri.com